Giá ô tô chưa giảm đã rục rịch tăng

25/06/2015 09:46, Lượt hiển thị: 1054 Thị trường ôtô Việt Nam

Giá ô tô chưa giảm đã rục rịch tăng

 

Bộ Tài chính không những ‘bác’ đề xuất của VAMA về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt có lợi hơn với xe lắp ráp trong nước mà còn điều chỉnh cách tính thuế này với xe nhập khẩu, khiến giá xe nhập khẩu có thể tăng tới khoảng 5% trong thời gian ngắn sắp tới.

‘Bác’ đề xuất của VAMA

Từ cuối năm 2014 tới nay, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các thành viên liên tục kiến nghị thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xe sản xuất lắp ráp trong nước (CKD), đồng thời giảm lệ phí trước bạ nhằm cạnh tranh với xe nhập khẩu và thúc đẩy phát triển thị trường. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Tài chính đã công bố lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN (40%, 30% và 0% tương ứng vào các năm 2016, 2017 và 2018), khiến cho giá xe nhập khẩu từ khu vực này về lý thuyết là giảm đáng kể so với hiện nay.

Cụ thể, VAMA đề xuất thay đổi cách tính thuế TTĐB với xe CKD, từ giá tính thuế là giá bán ra của nhà sản xuất hiện nay thành giá xuất xưởng của cơ sở sản xuất. Đại diện VAMA cho rằng hiện giá tính thuế TTĐB với xe nhập khẩu là giá CIF cộng với thuế nhập khẩu, nên để công bằng hơn giữa xe nhập và xe lắp ráp, giá tính thuế TTĐB nên là giá xuất xưởng của nhà sản xuất.

Cùng với các đề xuất tăng, kéo dài ưu đãi cho sản xuất trong nước, kiến nghị mới thay đổi tính thuế này được VAMA kỳ vọng sẽ giúp các thành viên giảm được khoảng 10% giá xe lắp ráp, đồng thời tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Đề xuất của VAMA bị bác bỏ

Tuy nhiên, đề xuất của VAMA đã bị Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định hướng dẫn luật thuế TTĐB có hiệu lực từ 1/1/2016 tới – thẳng thừng bác bỏ. Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định nêu trên vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết: “ Vừa rồi, VAMA có nêu ý kiến về việc áp dụng giá tính thuế hiện nay gây bất lợi cho nhà sản xuất ô tô trong nước và độ chênh khoảng 20-25%. Tuy nhiên, nhận định đó chưa có cơ sở, chưa có căn cứ để chứng minh ”.

Ông Thi nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thì mỗi quốc gia phải có những chính sách nhất định để đối phó, bởi thực ra không phải chúng ta mà rất nhiều nước trong quá trình hội nhập người ta cũng phải tính toán, xem xét lại thuế nội địa – có nội dung quan điểm là bảo đảm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, công bằng, bình đẳng là gì? Là trong cơ chế thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, cho nên VAMA đề nghị tính thuế TTĐB trên giá xuất xưởng/giá thành đầu tiên, chúng tôi trao đối với VAMA là cái đó trên thực tế không thực thi vì tính trên giá thành tức là tính trên cả lỗ của doanh nghiệp, cách tính đó là tiêu diệt sự cạnh tranh”.

Áp giá tính thuế mới cho xe nhập khẩu

Không chỉ giữ nguyên giá tính thuế TTĐB như hiện nay với xe CKD, Bộ Tài chính còn chủ trương điều chỉnh giá tính thuế với xe nhập khẩu. Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn luật thuế TTĐB, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB với ô tô dưới 24 chỗ ngồi là giá bán của cơ sở nhập khẩu bán ra nhưng không được thấp hơn 5% so với giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Hiện nay, giá tính thuế TTĐB với ô tô dưới 24 chỗ ngồi là giá CIF cộng với thuế nhập khẩu, với nhiều mặt hàng chịu thuế TTĐB khác là giá cơ sở nhập khẩu bán ra nhưng không thấp hơn 10% giá bình quân của các cơ sở thương mại.

Giá xe nhập khẩu có thể tăng khoảng 5% trong thời gian tới

Theo tính toán của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, khi quy định mới được áp dụng, giá tính thuế TTĐB với xe nhập khẩu tăng, và do đó giá bán lẻ cũng tăng, dự kiến tối thiểu ở mức 3-5% so với hiện nay.

Đặc biệt, theo ông Phạm Anh Tuấn, thư ký của VAMA, nếu áp dụng quy định này, giá xe nhập khẩu do các thành viên VAMA nhập và phân phối sẽ tăng mạnh hơn bởi đa số các thành viên VAMA không tách biệt giữa đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối, giá bán ra là giá bán của đơn vị phân phối nên giá tính thuế cao hơn.

“ Nếu  thành viên VAMA tách được nhà sản xuất và nhà phân phối thì họ không phải chịu thuế TTĐB cho nhà phân phối. Tuy nhiên nếu kết hợp thì họ sẽ ảnh hưởng, giá xe tăng lên, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng bởi vì với mô hình tách biệt, người tiêu dùng có thể mua giá thấp còn với VAMA thì khách hàng mua giá cao hơn ”- ông Tuấn nói.

Tuy nhiên đại diện Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm: “Thay vì bằng kéo sàn xuống thì chúng tôi đề nghị đối với sản xuất trong nước giá tính thuế TTĐB đối với ô tô vẫn là giá bán của nhà sản xuất, đối với nhà nhập khẩu là giá bán ra của nhà nhập khẩu”- ông Thi nói.

Theo VnMedia

TP

 
 

Bài viết liên quan

Doanh số bán ra của Lexus lập kỉ lục cho Toyota trong 4 năm liên tiếp một bước tiến mới
06/03/2017 08:40 / Admin
Thương hiệu hạng sang Lexus của Toyota Motor đã có một màn trình diễn tốt trong năm 2016, giành vị trí dòng xe có doanh ...
Lexus LX570 2016 hoàn toàn mới
16/07/2015 10:53 / Admin
Gần đây, hàng loạt hình ảnh mẫu xe Lexus LX570 mới đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, chiếc xe mới sẽ c ...
Thị trường xe sang đang “dậy sóng”
02/07/2015 03:20 / Admin
Chưa bao giờ phân khúc ô tô hạng sang, siêu sang tại Việt Nam lại sôi động và có nhiều tên tuổi như hiện nay. Sẽ không c ...
Top 10 mẫu SUV dành cho giới trung lưu
30/06/2015 04:43 / Admin
Lexus LX 570, BMW X5M hay Mercedes-AMG G65 có giá vài tỷ đồng là những mẫu SUV đắt đỏ dành cho giới trung lưu hiện nay.
Ôtô trong nước lại chịu thêm các loại phí mới?
30/06/2015 03:52 / Admin
Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thu phí thử nghiệm khí thải đối với phương ti ...