Bắt buộc ôtô phải bảo dưỡng định kỳ: Đừng để phát sinh tiêu cực

 

Thông tư 53/2014 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 1.12.2014 yêu cầu các chủ phương tiện xe cơ giới bắt buộc phải bảo dưỡng thường xuyên và bảo dưỡng định kỳ phương tiện đang gây nên những phản ứng trái chiều từ phía các chủ phương tiện và cả chủ các gara ôtô chuyên bảo dưỡng sửa chữa xe. Đa phần ý kiến đều cho rằng, quy định của Bộ Giao thông Vận tải không có các tiêu chí rõ ràng, thiếu chế tài ràng buộc, sẽ khiến việc thực hiện chỉ mang tính đối phó; dễ phát sinh tiêu cực, các cơ sở bảo dưỡng được lợi, còn chủ phương tiện chịu thiệt.

Các cơ sở bảo dưỡng xe ô tô hy vọng sẽ có thêm nhiều khách hàng khi Thông tư 53/2014 của Bộ GTVT có hiệu lực. Ảnh Hải Nguyễn

Khó cả đôi bên

Thông tư 53 yêu cầu các chủ xe phải bảo dưỡng xe thường xuyên và bảo dưỡng định kỳ. Theo đó, chủ xe có trách nhiệm bảo dưỡng xe hằng ngày hoặc trước, sau và trong mỗi chuyến đi. Còn bảo dưỡng định kỳ được thực hiện tại cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa. Đối với xe cơ giới có quy định của nhà sản xuất phải thực hiện theo đúng quy định. Cơ sở bảo dưỡng phải xây dựng nội dung bảo dưỡng phù hợp với từng loại xe, chu kỳ bảo dưỡng. Sau khi bảo dưỡng, xe cơ giới xuất xưởng phải có biên bản giao xe của cơ sở bảo dưỡng, ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng.

Ngay lập tức, nhiều chủ phương tiện lên tiếng. Ông Trần Quốc Hoàn - chủ DN vận tải Hoàn Cầu (Hải Phòng) cho biết: “Tôi có 15 phương tiện vận tải đầu kéo rơ moóc, hoạt động từ năm 1996 đến nay. Tuy nhiên, thông tư 53 quy định về việc các phương tiện phải bảo dưỡng định kỳ từ 3- 6 tháng/lần là hoàn toàn không phù hợp. Việc này chỉ gây thêm phiền toái cho người sử dụng phương tiện, nhất là những DN vận tải. Bởi định kỳ, theo quy định, các phương tiện phải đi đăng kiểm thì mới được lưu hành. Trước khi đi đăng kiểm, xe bao giờ cũng phải đi bảo dưỡng, tu bổ thì khi kiểm tra mới đảm bảo chất lượng, được phía đăng kiểm cấp giấy phép lưu hành. Bây giờ bộ yêu cầu phải bảo dưỡng định kỳ nữa thì khác gì buộc DN phải chịu thêm một lần kiểm tra, vô hình trung, cơ quan đăng kiểm không có tác dụng gì nữa?”.

Ông Hồ Tú, ngụ tại quận Ngũ Hành Sơn- Đà Nẵng bực dọc: Bộ GTVT đã ban hành một chỉ thị làm khó người dân và mang hơi hướng “lợi ích nhóm” cho các trung tâm bảo dưỡng xe ôtô. Theo ông, hiện nay với các loại xe ôtô khi kiểm định định kỳ, chỉ cần rò rỉ một chút dầu thì cũng đã bị từ chối dán nhãn kiểm định. Việc gì phải bắt buộc ôtô phải bảo dưỡng định kỳ 5.000-10.000km (hoặc 6 tháng tuỳ điều kiện nào đến trước)… Ông Chí Hải (ngụ quận 3, TPHCM) than: TT 53 nếu buộc áp dụng thì gây quá phiền hà cho dân. Nếu cần giấy chứng nhận bảo dưỡng định kỳ, thì hãy bỏ tem đăng kiểm đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường đi đã. Bởi hai loại giấy này na ná như nhau. Bởi bảo dưỡng thì cũng phát hiện hư hỏng mà sửa chữa, tự chủ phương tiện đều phải đảm bảo an toàn cho chính mình. Còn đăng kiểm thì có xe nào “lọt” qua cửa đăng kiểm không, nếu xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật…? Nhiều chủ phương tiện cho rằng, để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông là điều cần thiết, nhưng nên siết chặt khâu đăng kiểm tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, không nên “đẻ” thêm quy định phải có giấy chứng nhận bảo dưỡng xe.

Có tạo kẽ hở “xin- cho”?

Quy định rõ ràng đã tạo thêm đặc quyền đặc lợi cho các chủ cơ sở bảo dưỡng ôtô vì phải có chứng nhận bảo dưỡng của các cơ sở này thì xe cơ giới mới đủ điều kiện lưu hành. Trong khi thông tư không quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo các gara ôtô đạt chuẩn. Đại diện Cty Hà Thắng - ông Hoàng Văn Thái cho biết: Việc bảo dưỡng là trách nhiệm của chủ xe. Nhưng có nên yêu cầu có chứng nhận mới được phép đăng kiểm không, vì hiện nay rất nhiều gara không đảm bảo các yêu cầu, thậm chí có gara chỉ có 1 cầu nâng xe và không có phòng sơn. Ngoài ra, trình độ tay nghề của thợ cũng có giới hạn. Nhiều chủ gara không được đào tạo cơ bản về xe ôtô, do vậy, việc cấp chứng nhận có đúng thực chất không. Hay lại tạo thêm kẽ hở để một số đối tượng trục lợi và gây khó khăn thêm cho các chủ xe.

Ngay cả các chủ gara ôtô cũng phân vân. Chủ xưởng sửa chữa ôtô N.B đường Nguyễn Tất Thành - Đà Nẵng cho rằng: Quy định của Bộ GTVT về việc bảo dưỡng ôtô định kỳ là cần thiết. Nhưng không thấy thông tư quy định cụ thể các cơ sở bảo dưỡng phải đủ điều kiện ra sao, căn cứ theo quy chuẩn nào? Mặt bằng, thiết bị, tay nghề… Ai sẽ là người kiểm định, kiểm tra để duy trì chất lượng bảo dưỡng?

Ôtô cũ lưu hành trên đường khó phân biệt cái nào đã bảo dưỡng định kỳ. Ảnh: Kỳ Anh

Nói về giá cả bảo dưỡng hiện nay tại các trung tâm bảo dưỡng định kỳ, anh Nguyên H, chủ xe ôtô BKS 92K 872… tỏ ra thất vọng về quy định của Bộ GTVT vì theo anh, đưa xe vào trung tâm bảo dưỡng của các hãng xe là đưa đầu vào “máy chém”. Ví dụ giá thay các loại phụ kiện như lọc xăng, lọc dầu, chổi quét kính… bao giờ cũng cao hơn ở ngoài từ 30-50%, thậm chí còn cao hơn. “Mới đây, tôi thay hai má phanh trước cho chiếc xe thương hiệu T, loại 7 chỗ ngồi, được báo giá 2 triệu đồng, trong khi ở ngoài xưởng của tư nhân chỉ có 500.000 đồng…

Ông Dũng, chủ một gara ôtô trên đường Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, nếu theo TT 53 thì chủ phương tiện chỉ cần có 1 hoá đơn tài chính và xác nhận đã bảo dưỡng của gara là được phép đăng kiểm. Nhưng nếu không quản lý chặt sẽ tạo thêm khó khăn cho chủ xe, vì TT 53 không quy định thế nào là bảo dưỡng định kỳ và việc bảo dưỡng định kỳ này tuân thủ theo quy định. Vấn đề quan trọng nữa là các gara không thuộc các hãng có phải tuân theo barem của hãng không, hay theo một barem nào để cấp chứng nhận bảo dưỡng cho phương tiện. Ông Nguyễn Tấn Hùng (chủ gara sửa xe ôtô quận 1, TP.Hồ Chí Minh) băn khoăn: Bản thân gara muốn được chứng nhận đủ điều kiện bảo dưỡng, thì lại phải “chạy” xin giấy phép, lại thêm một cửa xin-cho”.

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - Nguyễn Hữu Trí: “Chủ phương tiện có quyền bảo dưỡng, sửa chữa ở bất cứ cơ sở nào”

Việc bảo dưỡng, sửa chữa liên quan đến công tác an toàn của phương tiện, đăng kiểm đã được Bộ GTVT quy định tại thông tư số 10, trước đây quy định về bảo dưỡng, sửa chữa giữa 2 kỳ của đăng kiểm thực hiện theo Quyết định 992. TT 53 có hiệu lực từ 1.12 tập trung vào 3 nội dung: Bảo dưỡng trước mỗi chuyến đi (hệ thống lái, hệ thống gầm, lốp xe); bảo dưỡng định kỳ (thay dầu mỡ duy trì khả năng làm việc của phương tiện) và quy định về sửa chữa. Hiện nay ở VN số chủng loại ôtô rất nhiều với hàng trăm kiểu loại và mỗi nhà sản xuất có một quy định riêng. Do vậy quy định chung rất khó và khối lượng sửa chữa, bảo dưỡng đối với mỗi phương tiện khác nhau, số kilômét cũng khác nhau. Đối với những trường hợp đã có quy định của nhà sản xuất thì chủ phương tiện và DN phải tuân thủ các quy định của nhà sản xuất. Đối với những trường hợp không có quy định thì các cơ sở sửa chữa xây dựng quy định. Đây là ngành nghề có điều kiện và các doanh nghiệp hoạt động SXKD theo Luật DN nên không có quy định ép buộc chủ phương tiện phải đến một nhà sửa chữa cố định. Đặng Tiến

Đại tá Trần Sơn - Phòng CSGT đường sắt đường bộ: “Chứng nhận bảo dưỡng định kỳ là để vít các lỗ hổng”

Việc bảo dưỡng xe là chuyện đương nhiên, không có quy định thì các chủ phương tiện cũng phải bảo dưỡng. Các nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu và tất cả các xe khi xuất xưởng đã có hướng dẫn bảo dưỡng định kỳ với thời hạn không được nhỏ hơn 2 tháng hoặc 1.500km xe chạy (tuỳ theo điều kiện nào đến trước), tính từ thời điểm xe xuất xưởng. Tuy nhiên, nhưng phần lớn các chủ phương tiện đều không quan tâm. Và không ít các trường hợp chủ phương tiện cũ nát trước khi đăng kiểm đã mượn phương tiện thay thể để qua mặt đăng kiểm, do vậy chứng nhận chất lượng là để vít các lỗ hổng.

Theo Laodong.com

TP

 
 
Nội dung khác
Lốp xe chịu được tốc độ bao nhiêu?
Để đánh giá độ “ ngon” và độ bền của một chiếc xe ô tô đáng mua, người ta thường đặt ra các câu hỏi, điển hình nhất chính là “lốp xe chịu được tốc độ bao nhiêu?”
Kỹ năng kiểm tra áp suất lốp cần biết
Trong hàng ngàn những thông tin quan trọng được các nhà sản xuất kí hiệu trên xe ô tô thì những điều cần biết về lốp xe cũng không ngoại lệ, đặc biệt là kĩ năng kiểm tra áp suất lốp xe.
Những thứ cần làm quen khi lái xe lạ
Vị trí các nút điều khiển, ước lượng kích thước cũng như động cơ xe là những thứ lái xe cần làm quen khi cầm lái một chiếc xe lạ.
Những lưu ý khi đi ôtô trời nắng nóng
Lốp xe, ắc-quy, hệ thống nước làm mát, hệ thống điều hòa là những bộ phận trên xe dễ bị ảnh hưởng nhất vào mùa hè.
5 thói quen 'phá xe' của tài xế
Không thường xuyên bảo dưỡng, phớt lờ đèn cảnh báo hay lái xe theo hứng là những thói quen dễ gây hư hại nhất.
Ngủ trong ôtô sao cho an toàn
Trải qua chặng đường dài mệt mỏi, khách sạn quá xa hoặc quá đắt, ghế xe trở thành chiếc giường lý tưởng.
8 mẹo tiết kiệm xăng tài xế cần nhớ
Sau khi đổ xăng, hãy dốc thẳng đứng vòi bơm xăng, tài xế sẽ có thêm một lượng xăng còn dư trong đường ống.
Những lưu ý khi lái thử xe ô tô mới
Gây tai nạn khi lái thử xe mới của các hãng ô tô là điều không hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Do vậy, trước khi lái thử xe theo chương trình mời lái thử xe hoặc tại các triển lãm ô tô, người lái thử phải hết sức thận trọng, tuân thủ các nguyên tắc để giảm thiểu rủi ro.